Nới room tín dụng, chuyện bây giờ mới kể

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Điều chỉnh room tín dụng là vấn đề thời sự không chỉ của riêng hệ thống ngân hàng, mà đã trở thành chuyện cửa miệng của từng doanh nghiệp, từng nhà đầu tư. Nhà điều hành chịu sức ép lớn trong việc đáp ứng đòi hỏi của thị trường, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phóng viên theo dõi mảng tài chính - ngân hàng cũng chịu áp lực trong việc thông tin về room tín dụng đáp ứng yêu cầu bạn đọc mà vẫn truyền tải đúng chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước…
Nới room tín dụng, chuyện bây giờ mới kể
Ảnh minh họa

Căng như dây đàn

Trong tháng 8/2022, khi câu chuyện về điều chỉnh hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng “căng như dây đàn”, Chân Hoàng - chủ một salon tóc ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội hỏi phóng viên: “Chị thấy đã có tín hiệu gì về điều chỉnh room tín dụng chưa? Nguồn vốn gần như tắc nên không có ‘sóng’. Hai lô đất em mua ở Cam Lâm, Khánh Hòa để đợi ‘đại bàng về làm tổ’ vẫn nằm im. Em sốt ruột vì tiền bị đọng ở đó hơi lâu”.

Còn chủ một chuỗi cửa hàng cafe chia sẻ: “Em mong cơ quan quản lý điều chỉnh room tín dụng sớm, ít nhất là dòng tiền ‘nhúc nhắc’ chảy để thấy có ‘sự sống’, chứ em cũng đã xác định ‘ôm’ hai lô đất ở mạn Hưng Yên rồi”.

Phía doanh nghiệp cũng không ngoài dòng chảy thời sự này. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Thanh Tịnh, giám đốc doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 8 đã phải chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm vào vụ cuối năm. Đặt vấn đề vay vốn sản xuất - kinh doanh tại ngân hàng không bị nhận lời từ chối, nhưng là lời hẹn “đợi kế hoạch điều chỉnh room tín dụng trong kế hoạch của cơ quan quản lý”.

Băn khoăn về điều chỉnh room tín dụng cũng là câu chuyện “nóng” tại các ngân hàng. “Khách hàng đang trong món vay cũ thì vẫn phải giải ngân chứ không thể dừng, đau đầu là cân lên, đặt xuống với món vay mới duyệt cho khách hàng A hay B? Lại một bộ tiêu chí phụ được chi nhánh ‘lên đơn’ để nhân viên tín dụng đối chiếu, tính toán sao cho phù hợp”, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Bắc Ninh chia sẻ.

Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý nắm được tình hình căng thẳng room tín dụng tại các ngân hàng bởi số liệu Ngân hàng Nhà nước có được cho thấy, có ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng năm 2022 từ cuối năm 2021.

“Chúng tôi biết có những ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nên cạn kiệt room sớm, nhưng không ít ngân hàng nguồn tiền cho vay thực sự đi vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có cái khó khi ở vị trí người điều hành cả thị trường”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Trên thực tế, từ năm 2020 đến nay, kinh tế Việt Nam liên tục trải qua những biến động lớn, ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động ngân hàng. Hiện tại, áp lực lạm phát tăng cao khiến hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất, gây thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong khi đó, đặc thù kinh tế Việt Nam là các nhu cầu vốn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, kênh tín dụng là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có tốc độ tăng rất nhanh.

Cụ thể, giai đoạn 2007-2010, tín dụng tăng bình quân trên 36%/năm, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng rất nhanh, kéo theo các cuộc đua lãi suất, dẫn đến lãi suất cho vay tăng nhanh, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao.

Nhiều tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán, hệ thống đứng trước bờ vực khủng hoảng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát lên mức 2 con số với đỉnh điểm vào năm 2008. Theo đó, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Moody’s… đồng loạt cảnh báo việc nới lỏng tín dụng giai đoạn này làm gia tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với nền kinh tế, đe dọa an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát nợ xấu...

Trong khi đó, tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước phải điều hành đồng bộ, linh hoạt hài hòa với các công cụ khác để đảm bảo mục tiêu lớn nhất là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và an toàn hệ thống ngân hàng.

Chưa thể thở phào?

Sự căng thẳng trên thị trường được giãn bớt khi thông tin vào ngày 24/8/2022, Ngân hàng Nhà nước họp với một số tổ chức tín dụng về việc tăng trưởng tín dụng và đặc biệt, đến ngày 26/8/2022, tại Hội nghị trực tuyến về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% (Nghị định 31/2022/NĐ-CP), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính thức tuyên bố “muộn nhất đầu tuần sau, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông tin đến các ngân hàng về room tăng trưởng tín dụng”.

Lại dồn dập những cuộc điện thoại từ các đồng nghiệp theo dõi lĩnh vực tài chính - ngân hàng đến các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư… : “Thông tin những ngày cuối tháng 8 sẽ nới room có chuẩn xác không? Tỷ lệ nới room dự kiến như thế nào? Những ngân hàng được giao trọng trách tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chắc room điều chỉnh sẽ cao nhất?...”.

Và rồi lại giải thích: “Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm là 14%, chứ không phải là nới room tín dụng của toàn ngành và việc điều chỉnh room căn cứ vào xếp hạng theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quan trọng nhất là phải đợi văn bản của Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng để xác thực tỷ lệ cụ thể”.

Do các thành viên thị trường đều sốt ruột nên để tránh lọt thông tin, “chiến dịch” lùng sục được khởi động. Ngày 29/8/2022 - thứ Hai đầu tuần, đợi đến chiều nhắn tin hỏi các lãnh đạo ngân hàng xem có thông tin gì về việc điều chỉnh hạn mức tín dụng chưa thì đều nhận được câu trả lời chưa có thông tin.

Sang ngày 30/8/2022, dù đã được chia sẻ văn bản của một ngân hàng về việc không tiến hành các hoạt động cho vay đến ngày 5/9/2022 - thời điểm Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng điều chỉnh, nhưng “guồng quay” vẫn sôi sục với các cuộc điện thoại và nhắn tin hỏi thăm.

Đến chiều muộn ngày 31/8/2022, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, khi các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước rời khỏi nhiệm sở, tin nhắn phúc đáp của các lãnh đạo ngân hàng thương mại là vẫn chưa có văn bản của cơ quan quản lý về điều chỉnh room tín dụng thì mọi việc mới tạm dừng…

Tiến trình “săn” thông tin tiếp tục lặp lại ngay sau khi kỳ nghỉ lễ kết thúc cho đến sáng ngày 7/9/2022, thời điểm Ngân hàng Nhà nước chính thức phát đi thông cáo đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các đơn vị này.

Song, do được thông báo riêng về từng ngân ngân hàng nên nhu cầu về thông tin lại là số liệu chính xác room được điều chỉnh là gì. Một vòng tròn lặp lại, điện thoại, nhắn tin tới các lãnh đạo ngân hàng nhờ xác nhận hay chia sẻ số liệu… và rồi bất ngờ khi ngân hàng được dự đoán room tín dụng điều chỉnh cao nhất lại không đúng, hay ngân hàng được kỳ vọng ít nhất cũng phải “thường thường bậc trung” thì lại khá thấp…, cùng với đó là “tâm tư” của lãnh đạo các ngân hàng…

Còn nhớ, thời điểm đó, các phóng viên mảng tài chính - ngân hàng có cuộc gặp mặt nhau nhưng nội dung cuộc họp trở nên mờ nhạt khi câu chuyện trao đổi chỉ xoay quanh vấn đề điều chỉnh room tín dụng: Tổng hạn mức room mới điều chỉnh là bao nhiêu? Tổng dư nợ vào nền kinh tế liệu có đáp ứng đủ nhu cầu? Cần xem xét biện pháp hành chính này có còn phù hợp với thực tế?…

Những thắc mắc, những câu hỏi cứ triền miên như dòng chảy thông tin kinh tế từng ngày, từng giờ chi phối công việc và cuộc sống của những người làm báo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật