Thơ tình Xuân Quỳnh - Độc lập và cô đơn cùng cuối…

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tôi từng nghĩ, nếu thơ Quỳnh quả có sức chứa đựng và ém nhẹm sự cô đơn cùng cuối ấy, thì cái sự thể ghê gớm này đã trọn vẹn nổ bùng trong bài thơ cuối đời Quỳnh, Quỳnh như đã viết nó trong những giọt nước mắt khô“, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ trong bài viết gửi đến báo Báo .
Thơ tình Xuân Quỳnh - Độc lập và cô đơn cùng cuối…
Chân dung nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. (Ảnh: GĐCC)

Tôi đã để tâm nhớ về và đọc lại những bài thơ tình được tinh tuyển của Xuân Quỳnh trong tập thơ vừa được Hội Nhà văn Việt Nam, cùng công ty Nhã Nam xuất bản: "Xuân Quỳnh – Không bao giờ là cuối". Bất chợt, tôi nghĩ đến một phản đề: Thơ tình Xuân Quỳnh - Độc lập và cô đơn cùng cuối, nhằm thiết lập một bài viết, theo cái tinh thần mà tôi yêu mến và đồng thuận của chính cuộc toạ đàm này: Xin hãy đọc thơ Xuân Quỳnh bằng cái nhìn mới và khác…

… Nhớ lần cuối chót, tôi gặp Xuân Quỳnh vào mùa đông 1987, ở Matxcova, thủ đô nước Nga, lúc ấy là Liên Xô (CCCP, chưa phải Liên Bang Nga, SNG, từ 1991 đến bây giờ, Quỳnh cùng đoàn nhà văn Việt Nam sang theo học mấy tháng cuối năm 1987, tại trường ĐH Văn học, mang tên M.Gorki). Do không hẹn giờ gặp trước, tôi với Quỳnh đã ngẫu nhiên đi bộ ngược chiều nhau, trên hai vỉa hè một đường phố lớn. Hoa tuyết mùa đông nước Nga, lạnh dưới 25 độ âm, đang bay bời bời xiên chéo không gian âm u lúc xẩm tối. Quỳnh không thấy tôi, nhưng tôi thấy chị bên kia đường, dáng đi xiêu xiêu, vội vã thường quen mà tôi đã gặp từ hồi còn là biên tập viên NXB Văn học ở Hà Nội, suốt 2 năm, từ 1973 đến 1975. Tôi thi thoảng nhìn qua cửa sổ phòng biên tập, có cây hoa ngọc lan xòa bóng, thấy Quỳnh thường một mình đi lấy cơm ở bếp ăn của Hội LHVHNT, phía sân sau NXB Văn Học. Tôi quen Quỳnh ở nhà thi sĩ Chế Lan Viên, bạn thơ đàn anh của chị Quỳnh. Và tôi giữ được tình chị em, bằng hữu, từ đó cho đến khi cùng Lưu Quang Vũ làm "kí giả kịch trường" cho Tạp chí Sân Khấu; từ năm 1977, cho đến tận lúc… đi ngược chiều năm 1987, trước tháng 8 năm 1988, khi chị Quỳnh mất, cùng chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ – trong một tai nạn giao thông hi hữu.

Nhìn Quỳnh đi cô độc bên kia đường, dáng vẻ vội vã, trí nhớ tôi bất chợt quay về hình ảnh xa xăm của chính Quỳnh ở Hà Nội, trong những câu thơ chênh chao tâm trạng tìm kiếm và săn đuổi - thứ mà cả đời Quỳnh khao khát - như người đi săn mải miết tìm kiếm con mồi - tình yêu và hạnh phúc.

Và giờ đây, những câu thơ đã rất Xuân Quỳnh ấy, đang ào ào trở về:

Em từ nhà đi đến ngã tư/ Gặp đè‌n đ‌ỏ trước hàng đinh thứ nhất/ Chờ qua đường đèn xanh vừa bật/ Em lại quay về/ thành phố mùa đông…

Những câu thơ ấy chênh chao đến chênh vênh. Chênh vênh và dào dạt từ nguồn cội thơ Quỳnh, khởi đầu bằng sự vận hành của Sóng, băng băng tìm đường ra biển lớn tình yêu, với sự đối lập của hai cặp đôi cảm xúc: Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể.

Bản thể sống động của con sóng yêu ngày xưa ấy và ngày sau ấy, vẫn ập ã vỗ khôn nguôi trong thơ tình Xuân Quỳnh, và ngay trong cuộc vận hành ra biển lớn, nó đã độc lập tự thân, mang bản chất song đôi tương phản như hai mặt thống nhất và đối lập vốn dĩ của tâm hồn người. Nhưng con sóng "song đôi - đối lập" ấy của thơ Xuân Quỳnh lại chỉ duy nhất khát khao hướng đến nỗi khát vọng tình yêu – yêu và được yêu, như tự thú của chính thơ Quỳnh:

Tôi không có một gian phòng/ Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ/ Gia tài là mấy bài thơ/ Biết bao người đọc vẫn chờ đợi ai/ Núi cao biển rộng sông dài/ Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu.

Thơ Quỳnh khao khát tình yêu đến mức nhìn quang cảnh nào cũng thấy ra màu… yêu đương, nhất là cảnh mùa thu vừa chớm, bỗng phơi nét vàng. Thu đấy, đẹp nồng nã đến… gợi tình, trong cảnh thanh vắng của cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ/ không gian xao xuyến chuyển sang mùa/ tên mình ai gọi sau vòm lá/ lối cũ em về nay đã thu. Và thu đã lên hương ngùn ngụt và lộng lẫy trong quyến luyến của mây trắng bay đi cùng với gió/ Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ/ Đắng cay gửi lại bao mùa cũ/ Thơ viết đôi dòng theo gió xa…

Trong bài thơ thanh vắng này, có hai thứ ảo diệu rất Xuân Quỳnh, đó là sự mơ mòng diệu vợi của chủ thể trữ tình, như thoảng nghe trong thinh không yên tĩnh đời đời của mùa thu: tên mình ai gọi sau vòm lá/ Lối cũ em về nay đã thu.

Nhà thơ Xuân Quỳnh. (Ảnh: TL)

Bài tình này của Quỳnh, còn chứa đựng sự ảo diệu thứ hai, bởi thoạt đầu là sự không hiện diện đại từ nhân xưng anh, và không có đại từ anh anh em em luôn song đôi một cặp hiển nhiên, như các bài tình khác. Bài thơ đã chỉ khởi đầu duy nhất đại từ Ai, như ca dao trữ tình vẫn gọi: Khăn thương nhớ ai/ khăn rơi xuống đất/ khăn thương nhớ ai/ khăn vắt lên vai. Song, khổ thứ ba cuối bài thơ, khi cả một trời thu dâng đầy hoa cỏ may, thì cặp đại từ anh – em mới đột nhiên xuất hiện, nhưng không khẳng định sự yêu đương hai chiều, mà vương đầy tâm trạng nghi vấn đến khờ dại, của sự yêu đơn phương, như hoa cỏ may - cái tên mà Xuân Quỳnh âu yếm đặt cho bài thơ: Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm dày/ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết tình anh có đổi thay…

Xuân Quỳnh – có lẽ do mồ côi mẹ từ tấm bé, thiếu khát cả tình mẹ lẫn tình cha, chỉ ở với bà ngoại và chị ruột Đông Mai, nên từ thuở thiếu thời, đã tự hình thành một cá thể độc lập, phải luôn tự mình ra quyết định các vấn đề của đời mình. Nhưng cũng vì thiếu khát tình cha mẹ, nên Xuân Quỳnh là người quá nhạ‌y cả‌m với chính sự thiếu khát vô cùng ấy. Và cũng từ đó mà hình thành trong tính cách thơ và tính cách người của Xuân Quỳnh một phẩm chất đặc biệt, là sự đa cảm, đa mang đích đáng cái yếu tố truyền thống của tìn‌h t‌ự dân tộc Việt: thương người như thể (thậm chí hơn cả) thương thân. Thế nên, sự độc lập đến cô đơn và sự cô đơn đến độc lập này đã ám nhiễm vào tính cách thơ Xuân Quỳnh, và mặc nhiên dẫn đến sự vận hành đơn côi của hình tượng con sóng độc đáo trong thơ Xuân Quỳnh: Sông - vốn không thể hiểu nổi mình, nên sóng đã vì sông phải tìm ra tận biển. Và biển thì mênh mông nhường nào, rộng rinh như không bến bờ, nên đã được biểu tượng thành… biển tình yêu. Vậy nên, khi tìm về phía biển, chính là sóng đã bị giằng xé trong sự nhị nguyên của hai cặp đôi đều đối lập: dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ, nên, sóng đã vì thế mà thành biểu tượng con sóng thơ xuyên suốt đời thơ, đưa đẩy số phận Xuân Quỳnh đến với những cuộc tình trong đời mình, theo cái cách thật đơn phương và mãnh liệt của sóng – là phải một mình, chỉ một mình thôi, tìm ra tận biển. Với thôi thúc của ước vọng yêu đương: Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn nam còn vỗ...

Như thế, chính là thơ, đã là thể loại văn chương đem lại may mắn nhất cho đời Quỳnh, với tư cách thi sĩ. Hay là, do chính sự chỉ định của số phận, mà thể loại thơ trữ tình Việt đã hứng lấy cái cô đơn và độc lập trữ tình trong tính cách dạt dào, mạnh mẽ của sóng thơ Xuân Quỳnh? Từ đó, mà kiến tạo nên khí sắc trữ tình đặc biệt trong thơ tình Xuân Quỳnh. Có bao nhiêu nỗi khổ đau, cay đắng, ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh trong đời Quỳnh, rốt cuộc, đã được thơ trang trải hết…Có bao nhiêu khát khao kiếm tìm, săn đuổi tình yêu, rốt cuộc, cũng được thơ chuyên chở cho bằng hết. Vậy nên, thơ cũng chính là nơi Quỳnh biểu cảm sự cô đơn đến cùng cuối của tâm trạng trữ tình. Đôi khi, Xuân Quỳnh làm thơ, cứ như đắm mình trong ám ảnh siêu thực: Mùa thu nay sao bão mưa nhiều/ Cánh cửa sổ con tàu chẳng đóng/ Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm/ Em lạc loài giữa sâu thẳm lòng anh/ Em lo âu trước xa tắp đường mình/ Trái tim đập những điều không thể nói/ Trái tim đập cồn cào cơn đói/ Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn… Tôi, đôi khi, đọc những câu thơ siêu thực đến ám ảnh ấy của Quỳnh, đã chạnh nghĩ: còn gì có thể cô đơn hơn một ngọn lửa le lói, trong lạc loài, trong lo âu, trong tiếng đập đau đớn của trái tim, phải chôn giấu sự cô đơn trong câm lặng. Và đã chỉ cồn cào đập cho những điều không thể nói của chính trái tim mình…

Sự cô đơn lạc loài trong mấy câu thơ ám ảnh này của Xuân Quỳnh đã nhắc người - đọc – tôi đến chữ "lạc loài" - cũng là con chữ ám ảnh nhất trong truyện ngắn Tướng về hưu, của Nguyễn Huy Thiệp, khi nhà văn đã chọn tình huống "về hưu" cho nhân vật ông tướng của mình, mà chẳng ngờ, chỉ khi ông tướng về hưu, về sống giữa lòng gia đình ruột thịt của chính mình, mới vỡ ra rằng, mình đã cô đơn hơn bao giờ hết. Và ông phải bật thốt câu nghi vấn:

Sao tôi cứ như lạc loài?

Bởi vậy, trong bài viết ngay sau ngày biết tin Quỳnh mất, 29/8/1988, mà bạn bè từ Hà Nội báo tin buồn sang đảo Vaxili, nơi tôi đang sống, tại kí túc xá của viện Đại học Sân khấu - Điện ảnh – Âm nhạc quốc gia Leningrad, tôi đã quá buồn thương mà nghĩ ngợi thật ảm đạm. Căn phòng nhỏ xíu của tôi đã từng là nơi Quỳnh từ Matxcova xuống Leningrad đi thực tế sáng tác, cùng mấy nhà văn Việt Nam, mùa đông năm trước - năm 1987. Quỳnh đã đến đó, ở với tôi mấy ngày sau mấy năm tôi xa nhà đi học ở Liên Xô. Cái chết bất ngờ vì tai nạn giao thông của Quỳnh đã khiến tôi choáng váng, không thể ngủ, phải thức mấy đêm, trút nỗi lòng vào bài viết về Quỳnh, bài "Xuân Quỳnh - một giọng thơ tình ám ảnh". Trong bài, tôi xót xa thương cảm viết: "Chẳng biết số phẩn đun đẩy "khăn gói gió đưa" thế nào mà Xuân Quỳnh trở thành mẫu một người đàn bà tài hoa nhưng không hề may mắn trong đời riêng - lận đận "hai lần đò", cuối cùng chết bất ngờ vì tai nạn giao thông - một tai nạn cực kỳ phi lý để kết thúc một cách hợp lý accident khác về tâm hồn. Thời gian đó, Quỳnh buồn sầu, lâm bệnh đau tim rất nặng và tưởng không qua khỏi. Nhưng thật ra, với riêng Xuân Quỳnh, cái chết ấy đã thật là một giải thoát. Nó mang Quỳnh đi mãi mãi khỏi chốn trần ai, cũng có lúc đã thật là tươi đẹp, nhưng từ rất lâu, đã trở nên quá nhọc nhằn khổ ải với Quỳnh – và cái chết ấy chỉ còn để lại một vệt sao băng sáng chói trên bầu trời thi ca Việt Nam hiện đại…

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái. (Ảnh: FBNV)

Có lẽ đó là sự lý giải rất riêng của tôi, nhuốm đậm tâm tư buồn thảm và u ám, dù tôi vẫn cho tâm tư ấy của mình là chính xác. Song, đáng buồn thay, bài viết ấy đã bị từ chối đăng trên Tạp chí Tác Phẩm Mới của Hội Nhà văn VN, ngay sau cái chết của Quỳnh, vừa phi lý, lại vừa hữu lý. Mãi đến năm 1991, khi tôi từ Liên Xô về nước nghỉ hè, vào TP HCM thăm bạn bè, bài mới được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ của TP HCM.

Thực ra, lần bước lên con thuyền hôn nhân lần thứ hai với Lưu Quang Vũ, trong suốt 15 năm, Quỳnh luôn luôn thường trực ý thức là mình đã cập bến bờ hạnh phúc. Nhưng sự đời không hề đơn giản, như nhà văn Nguyên Ngọc từng viết đâu đó: "Sự đời đã thật ghê gớm". Quỳnh càng nhiều tuổi đời, càng sống, càng yêu Vũ, càng không dứt được mặc cảm sâu về sự "không xứng đôi vừa lứa" với người chồng thi sĩ, kịch sĩ đẹp trai, trẻ trung, đào hoa và nức tiếng cả nước về sự nghiệp viết kịch xuất sắc, phục vụ tận tình nền sân khấu đổi mới, nhất là khoảng thời gian từ năm 1986 cho đến hôm nay, đang vào thập niên thứ ba của TK XXI. Vẫn nhiều đoàn kịch đã liên tục chọn dựng kịch bản Lưu Quang Vũ.

Tự mình lấy mình so sánh với chồng, trong thâm tâm, hơn một lần Quỳnh thầm ao ước được trẻ đẹp hơn, để được chồng khát khao, say đắm hơn và hạnh phúc hơn, trong những lá thư riêng viết cho chồng một cách thành thực, đầy nhũn nhặn và khiêm nhường…. Cho dù Lưu Quang Vũ đã không ít lần bày tỏ trong thơ tình của mình, lòng tri ân và sự tri âm sâu sắc với Xuân Quỳnh: Biết ơn em từ miền cát gió/ Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng…

Biết và rất hiểu, rất yêu chiều người thi sĩ bạn đời Lưu Quang Vũ, song, trong thế giới thơ tình của Xuân Quỳnh vẫn mặc nhiên tự mình cất giấu, và cẩn trọng giữ riêng cho mình một sự tỉnh táo, để biết cách ém nhẹm cái sự cô đơn cùng cuối của mình, vào thơ. Và Thơ, chính là khuôn mặt đích thực sáng trong, phản chiếu trong vắt cái cô đơn vằng vặc của thơ Quỳnh, và đa mang cái bản thể thẳm sâu nhất của tìn‌h t‌ự thơ Quỳnh.

Tôi từng nghĩ, nếu thơ Quỳnh quả có sức chứa đựng và ém nhẹm sự cô đơn cùng cuối ấy, thì cái sự thể ghê gớm này đã trọn vẹn nổ bùng trong bài thơ cuối đời Quỳnh, Quỳnh như đã viết nó trong những giọt nước mắt khô.

Đó là bài "Thời gian trắng" - vẫn là một bài tình, trong sự quấn quýt, tưởng như vẫn ngọt ngào của cặp đại từ Em – Anh.

Bài thơ này Quỳnh viết, khi nằm bệnh, thiết lập cảm thức thơ trên cái màu trắng đặc trưng của bệnh viện, đến nỗi nữ sĩ đã tưởng ra cả thời gian thơ lẫn không gian thơ đều đông đặc trong màu trắng – màu của cái chết. Trong nguyên lý về ngũ hành của văn hoá Phương Đông, thì màu trắng ứng với vị trí hành Kim, nằm ở hướng Tây, là hành xấu, thuộc về cái chết, nên khu nghĩa trang của làng quê Việt thường đặt ở phía Tây. và thuộc hành Kim – màu của tang tóc...

Bài thơ lập tứ thơ thật dứt khoát, bằng hình ảnh: cánh cửa bệnh viện đã cắt đôi tâm thế trữ tình của chủ thể thơ Xuân Quỳnh, tạo thành ranh giới khắc nghiệt đến tàn nhẫn, giữa trong này (như cái chết), với ngoài kia (là cái sống):

Cửa bệnh viện ngoài kia là quá khứ/ Những vui buồn khao khát đã từng qua. Đã từng qua thật, những chuyện ngây thơ/ Con đường gạch ao bèo hoa tím ngắt/ Những ô ăn quan, que chuyền, bài hát/ Những mùa hè chân đất, tóc râu ngô. Đến đây, Quỳnh ngắt ngay đoạn thơ hồi tưởng êm ái này, chuyển giọng khẳng định đầy lý tính: Quá khứ em không chỉ ngày xưa/ Mà ngay cả hôm nay thành quá khứ/ Quá khứ của em ngoài cánh cửa/ Gương mặt anh gương mặt các con yêu.

Nhất quyết đẩy thành quá khứ, đẩy bằng được về bên kia cánh cửa bệnh viện tất cả những kỉ niệm từ thời thơ ấu, và cả những người mình yêu thương nhất, để hồn thơ Xuân Quỳnh độc trọi quay ngược về sự cô đơn cùng cuối của chính mình.

Trong thời gian trắng, một khi đã xác định chỉ còn là thời gian của một mình mình - bệnh nhân đau tim nặng, thì bỗng dưng, thời gian đã hóa thành không sớm không chiều/ thời gian trắng, không gian toàn màu trắng/ Trái tim buồn sau lần áo mỏng/ Từng đập vì anh vì những trang thơ/ Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ/ Chỉ có đập cho mình em đau đớn… Đối lập giữa cái sống và cái chết ấy, đã mặc nhiên thành một cặp đôi âm – dương, như vĩnh viễn chia lìa trong cảm thức thơ Xuân Quỳnh: Khi cuộc đời trôi chảy ngoài kia/ Thời gian trắng vẫn ngừng trong bệnh viện/ Chăn màn trắng, nỗi lo và cái chết/ Ngày với đêm có phân biệt gì đâu/ Gương mặt người nhợt nhạt như nhau. (…) Phía trước phía sau, dưới đất trên đầu/ Dường trong suốt một màu vô tận trắng.

Tôi phải thú nhận rằng, bài thơ cuối này của Xuân Quỳnh đã chính thức đưa tiễn con Sóng đầu tiên, khởi đi thơ Quỳnh, mặc lòng, đã trôi đến bến bờ xa nhất là biển khơi rộng rinh xanh màu vĩnh viễn. Với biểu tượng về cái chết trong màu trắng cuối chót này của Xuân Quỳnh, thơ Quỳnh đã hạ cánh xuống hiện thực sự đời vốn trần trụi: của một thực thể người – đàn - bà - thơ nằm trên giường bệnh, đã chỉ còn "nỗi lo về cái chết". Người chồng đến thăm, đôi mắt âu lo, lời âu yếm sẻ chia. Song, không thể bước qua được đường biên giữa sự sống và cái chết, nằm ngay trong cánh cửa bệnh viện lạnh lẽo. Và nằm trong chính cảm thức sống chết của thơ Quỳnh: lúc anh đến/ anh đi thành quá khứ/ anh thuộc về những người ngoài cánh cửa.

Có lẽ, chưa bao giờ một hiện thực thơ khắc nghiệt đến thế đã tràn bờ mà chiếm đoạt bất nhẫn đến thế trong thơ Quỳnh.

Và, còn thăng hoa sự buồn thương lên cao chất ngất trong 4 câu thơ cuối của bài thơ này: Dù cùng một thời gian, cùng một không gian/ Ngoài cánh cửa với em là quá khứ/ Còn hiện tại của em là nỗi nhớ. Và Quỳnh lại ngắt mạch thơ ở đó, không kể tả, đào sâu, hoặc cho lên hương nỗi nhớ như nhiều bài tình đã viết. Quỳnh đã dứt khoát khép lại bài thơ, như đóng chặt cánh cửa bệnh viện, với lời than trách thoảng nhẹ như bấc, trong một câu hỏi nặng trĩu hư vô: Thời gian ơi sao không đổi sắc màu?

Như thế, cách thơ về cái chết trong bài thơ này của Xuân Quỳnh, đã khiến bài thơ "Thời gian trắng" bỗng thành viên ngọc sáng láng nhất trong chuỗi thơ dài đẹp long lanh của thi sĩ Xuân Quỳnh.

Vì thế, Xuân Quỳnh đã thành chủ thể trữ tình vừa ngọt lành vừa đắng đót của cả một chuỗi thơ dài, đa mang vẻ đẹp độc lập và sự cô đơn cùng cuối, đã thật lộng lẫy và sâu đằm, trong bản thể thơ của chính Xuân Quỳnh…

Đêm Saigon Pearl 20/10/2022

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật