Hà Nội dời 15.000 phần mộ, chi hơn 13.000 tỷ đồng đền bù để xây vành đai 4

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khoảng 14.600 phần mộ tại 7 quận, huyện của Hà Nội sẽ di dời để phục vụ thi công vành đai 4, các đơn vị đang hoàn thiện việc cắm mốc GPMB để bàn giao cho địa phương.
Hà Nội dời 15.000 phần mộ, chi hơn 13.000 tỷ đồng đền bù để xây vành đai 4
Cắm mốc giải phóng mặt bằng vành đai 4 đoạn giao cắt với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Tân)

"Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dự án vành đai 4 phải tính theo ngày, chứ không phải tính theo tuần”, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói trong một cuộc họp đầu tháng 11.

Chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền thành phố được đưa ra khi còn hơn 6 tháng nữa, Hà Nội tiến đến mốc thời gian phải bàn giao 70% mặt bằng sạch để bắt đầu khởi công dự án vành đai 4 theo yêu cầu của Chính phủ.

Hiện, 7 quận, huyện của Hà Nội đang trong lộ trình di dời các phần mộ, lên phương án bồi thường, tái định cư cho những hộ dân phải di dời để nhường đất làm dự án.

13 khu tái định cư mới

Tính đến hết tháng 11, các quận, huyện của Hà Nội đã cắm được hơn 2.000 trên tổng số 2.700 cọc mốc giải phóng mặt bằng, tương đương 36 km của vành đai 4. Con số này đạt gần 70% chỉ tiêu và dự kiến được hoàn thành vào giữa tháng 12.

Theo thống kê, hơn 14.600 phần mộ trên địa bàn các quận, huyện sẽ phải di dời để phục vụ giải phóng mặt bằng vành đai 4. Địa phương có nhiều phần mộ cần di dời nhất là Thường Tín với hơn 4.200 ngôi mộ, chủ yếu nằm ở xã Văn Bình do chỉ giới đường đỏ vào cả khu nghĩa trang.

Để đảm bảo quy tập mộ, huyện Thường Tín cho biết cần quy hoạch mở rộng thêm 2,9 ha ở nghĩa trang thôn Văn Giáp và 2,6 ha ở nghĩa trang thôn Văn Hội (xã Văn Bình). Địa phương đã báo cáo thành phố về việc này.

Tương tự, chỉ giới đường đỏ cũng đi qua một nghĩa trang trên địa bàn quận Hà Đông với 2.255 ngôi mộ nên phải di dời toàn bộ nghĩa trang này.

Một khu nghĩa trang tại xã Văn Bình (huyện thường Tín) phải di dời hoàn toàn để nhường đất xây đường vành đai 4 (vùng màu vàng). (Ảnh: Ngọc Tân).

Theo đề xuất của quận, UBND Hà Nội đã chấp thuận chủ trương cho phép cải tạo, mở rộng nghĩa trang của tổ dân phố số 9, phường Yên Nghĩa để phục vụ công tác di dời các phần mộ.

Riêng với quận Hà Đông, quá trình rà soát cho thấy không còn quỹ đất để thực hiện bố trí tái định cư trên địa bàn. Vì vậy, địa phương đề nghị thành phố cho phép bồi thường tái định cư bằng đất trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Theo tính toán, tổng số vốn đầu tư cho toàn bộ hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để làm vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội khoảng 13.370 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Trung ương chi 4.010 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi 9.360 tỷ đồng.

Đối với Hưng Yên, tỉnh này dự kiến cắm mốc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm trước ngày 31/12. Các quận, huyện cũng đã lên phương án bồi thường, tái định cư cho hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng, bàn giao đất làm vành đai 4.

Trong đó, các khu tái định cư mới dự kiến được xây dựng tại các xã: Văn Khê, Đại Thịnh (huyện Mê Linh); Hạ Mỗ, Hồng Hà (huyện Đan Phượng); Đức Thượng 2, Đức Giang, Đông La, Tiền Yên (huyện Hoài Đức); Cự Khê (huyện Thanh Oai); Khánh Hà, Văn Bình, Hồng Vân và Vân Tảo (huyện Thường Tín).

Đề xuất mở rộng mặt cắt ngang 3 cầu vượt sông

Hiện, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn lập, báo cáo tác động môi trường và đang chỉ đạo tư vấn tập trung khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần.

Dự kiến, những công đoạn này khảo sát xong trong tháng 11 và trình duyệt dự án trong tháng 12, theo đúng tiến độ.

Để đảm bảo hướng tuyến và phối hợp đồng bộ với dự án khác có liên quan, UBND Hà nội yêu cầu điều chỉnh chỉ giới đường đỏ đoạn qua đê Song Phương theo ý kiến của Bộ NN&PTNT, do lo ngại ảnh hưởng của công trình đến an toàn đê điều và thoát lũ dòng sông.

Ngoài ra, thành phố điều chỉnh chỉ giới đường đỏ tại nút giao quốc lộ 6 - vành đai 4. Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nút giao này hoạch định nút giao khác mức và vành đai 4 đi trên cao. Tuy nhiên do vướng đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang đi trên cao tại tầng 2, các đơn vị phải điều chỉnh đường vành đai 4 đi bằng và quốc lộ 6 sẽ đi cao cùng với metro.

Phối cảnh dự án vành đai 4. (Ảnh: BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội).

Về các hạng mục hạ tầng liên quan đến dự án vành đai 4, theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hệ thống đường song hành (đường đô thị) được đầu tư phân kỳ với quy mô mỗi bên rộng 12 m, không thiết kế các tuyến đường song hành liên tục qua sông Hồng và sông Đuống.

Đồng thời, các đơn vị chỉ thiết kế 3 cầu vượt sông trên cho đường cao tốc với mặt cắt ngang 17,5 m. Các cầu này là Hồng Hà, Mễ Sở và Hoài Thượng.

Đơn vị tư vấn và Ban Quản lý dự án đề xuất mở rộng mặt cắt ngang các cầu từ 17,5 m lên 24,5 m, bố trí đủ cho 4 làn xe cơ giới và mỗi bên một làn cho xe máy, xe thô sơ lưu thông.

Về giải pháp thiết kế nút giao thông và làn dừng khẩn cấp, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xác định trong giai đoạn 1, dự án có 8 nút giao liên thông và hoàn thiện nút giao tây nam.

Các nút giao này bao gồm: Hà Nội - Lào Cai, trục Mê Linh, Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 38, Nội Bài - Bắc Ninh.

Dự kiến vị trí nút giao giữa vành đai 4 (đường màu vàng) với đại lộ Thăng Long tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. (Ảnh: Ngọc Tân).

Về làn dừng khẩn cấp, các đơn vị thống nhất đầu tư làn dừng khẩn cấp không liên tục là cần thiết theo tiêu chuẩn cơ sở, quy định 4-5 km/điểm. Vì vậy, Ban Quản lý dự án và tư vấn đề xuất bố trí làn dừng khẩn cấp tại vị trí tuyến đi thấp và nền đắp thấp, bố trí trên các nút giao liên thông được hoạch định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Riêng 4 vị trí làn dừng khẩn cấp tại phạm vi cầu cạn, đơn vị đề xuất bố trí vào các vị trí dự kiến của nút giao thông liên thông theo quy hoạch gồm: Quốc lộ 32, trục Hồ Tây - Ba Vì, quốc lộ 5 cũ và quốc lộ 38 mới.

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, các đơn vị tập trung khảo sát, lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần.

Dự kiến, Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cả 3 dự án thành phần vào ngày 9/1/2023.

Đường vành đai 4 - vùng thủ đô dài 112,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội.

Trong đó, chiều dài của dự án tại Hà Nội là 58,2 km, Hưng Yên 19,3 km và Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối dài 9,7 km. Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Với tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, dự án thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật