Hạ tầng giao thông góp phần đổi thay huyện vùng cao Quan Sơn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với mạng lưới giao thông được đầu tư một cách mạnh mẽ, đặc biệt là những tuyến đường kết nối đi các bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng giáp biên giới nước bạn Lào, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Quan Sơn.
Hạ tầng giao thông góp phần đổi thay huyện vùng cao Quan Sơn
Ảnh minh họa

Từ những dự án trọng điểm

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, dịch vụ của Nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua từ nhiều nguồn vốn đầu tư từ các chương trình khác nhau (Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo; Chương trình Xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông được triển khai, đi vào vận hành và đem lại những hiệu quả tích cực, mở ra hướng phát triển kinh tế mới. Trong đó, những dự án trọng điểm như: dự án đường từ bản Son đi bản Ché Lầu, xã Na Mèo; dự án đường giao thông liên xã từ bản Ché Lầu (xã Na Mèo) đi bản Mùa Xuân, bản Khà (xã Sơn Thủy); dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Sơn Thủy - Na Mèo...

Các dự án giao thông nội bản Ché Lầu (xã Na Mèo); dự án đường giao thông nội bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy) hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy giao thương, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững cho người dân. Đối với dự án đường giao thông phục vụ công tác cứu hộ cho các xã Trung thượng và Trung Tiến được đánh giá đặc biệt quan trọng, với tổng chiều dài hơn 9 km. Dự án do UBND huyện Quan Sơn làm chủ đầu tư đang được nhà thầu hoàn tất những hạng mục cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng. Dự án không chỉ giữ vai trò kết nối giao thông giữa các xã vùng cao chịu nhiều ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét; phục vụ công tác cứu hộ, di dời người, tài sản khi có thiên tai, mà còn đảm bảo việc đi lại thông suốt cho các địa phương không bị lũ chia cắt...

Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quan Sơn Trương Văn Long cho biết, những dự án giao thông kết nối giữa bản với bản, xã với bản, xã với xã cũng như các xã với trung tâm huyện đã và đang tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, đóng góp vai trò quan trọng trong định hướng phát triển chung của huyện. Với các dự án kết nối giao thông lên các bản người Mông như: Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy); Ché Lầu (xã Na Mèo) hay các bản người Thái như Khà, Thủy Thành (xã Sơn Thủy); Na Mèo, Son (xã Na Mèo)... không chỉ góp phần giúp bà con các dân tộc đi lại thuận tiện, con em đến trường đỡ vất vả, mà điều quan trọng là mở ra định hướng phát triển kinh tế mới cho các địa phương, nhất là phát triển các lĩnh vực lâm sản, chế biến, dịch vụ, du lịch...

... đến sự đổi thay bản làng

Bản Mùa Xuân có 116 hộ, 562 nhân khẩu, lâu nay do khó khăn về giao thông nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp. Được đầu tư dự án giao thông, đường từ trung tâm xã Sơn Thủy lên bản Mùa Xuân, Xía Nọi sẽ không còn khó khăn, vất vả nữa. Trưởng bản Mùa Xuân Xu Văn Cấu không giấu được vui mừng khi nói về vai trò của con đường đang dần hiện hữu: “Có đường bà con sẽ trồng luồng, trồng ngô, sắn vận chuyển xuống trung tâm xã bán. Có thu nhập, đời sống của bà con sẽ được nâng lên, thoát nghèo, con em sẽ được đến trường học hành đầy đủ”.

Điểm trường tiểu học Mùa Xuân có 89 học sinh là con em đồng bào Mông, niềm vui có đường mới cũng hiện rõ trên từng gương mặt cô, trò. Trước đây các em đến lớp gặp rất nhiều khó khăn, mùa mưa tỉ lệ các em phải nghỉ học nhiều, các cô phải đến từng nhà để vận động. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy Hoàng Văn Sáu vui mừng cho biết: “Cuối năm 2021, bản Mùa Xuân được thụ hưởng điện lưới quốc gia. Có điện, các thầy cô ở điểm trường cũng dễ dàng tiếp cận với những thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy và học. Vui hơn khi con đường bê tông nội bản được đầu tư dẫn đến tận điểm trường, giúp học sinh đến lớp thuận lợi hơn”.

Ché Lầu là bản người Mông đặc biệt khó khăn của xã Na Mèo. Bản có 65 hộ với 300 nhân khẩu, cách trung tâm xã tới hơn 10 km. Nay bản đã có điện sáng, đường bê tông nội bản kiên cố đã được hoàn thành. Ông Thao Văn Lênh ở bản Ché Lầu cho biết: Nếu trước đây con đường dẫn vào bản chỉ là những lối đi nhỏ, bùn đất, sình lầy, thì nay bản đã có điện, có đường mới. Nhiều hộ dân đã vay vốn ngân hàng để trồng luồng, chăn nuôi lợn, bò, thương lái vào tận bản để thu mua nông, lâm sản.

Đánh giá về hiệu quả của mạng lưới giao thông xã nhà được thụ hưởng, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy Lữ Văn Tiên khẳng định: Việc đầu tư hạ tầng giao thông đến các bản người Mông, người Thái của xã nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đường giao thông và điện sáng là những hạ tầng thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có đường, có điện, bà con có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo, xây dựng bản làng nông thôn mới, ấm no, hạnh phúc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật