Game online vào tầm ngắm thuế

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo đề xuất của Bộ Tài chính tại tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trò chơi điện tử trên mạng (game online) là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao, so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Game online vào tầm ngắm thuế
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Ảnh: Quang Vinh.

Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online?

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I năm 2023, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, Bộ Tài chính đang xin ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), chưa phải là dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Việc xây dựng đề nghị là theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm Pháp Luật.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi một số nhóm nội dung trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, xem xét mở rộng cơ sở thuế, củng cố nguồn thu ngân sách. Trong đó, đặt vấn đề bổ sung một số nhóm đối tượng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; các chính sách thuế khi đưa ra đều được lấy ý kiến, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, thấu đáo.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ví von việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ game online tương tự như nắm tóc người gầy gò ốm yếu; còn kẻ trọc đầu, to béo thì lại không quản lý được.

“Hiện chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Nếu có áp thuế thì một số nước đánh thuế với thu nhập của người chơi có được từ game online như: Mua bán tài sản ảo, chơi game có thưởng. Do vậy, cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online” - ông Tuấn phân tích.

Doanh nghiệp sản xuất game nói gì?

Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến (VNG) Lã Xuân Thắng nói game là ngành kinh doanh có điều kiện, được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Trong trường hợp bị áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, những game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn hẳn. 

Việc này sẽ có 2 hệ luỵ: Thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game; và thứ hai là doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) trong nước, hoạt động phù hợp với Pháp Luật Việt Nam sẽ bị giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam. Việc này cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiều DN Việt sẽ chuyển hướng thành lập công ty tại các quốc gia khác nhằm hưởng các chính sách hỗ trợ, tài trợ, khuyến khích, đặc biệt là về thuế cho DN game. 

Ở Việt Nam, hiện ngành game đang phải chịu nhiều loại thuế và phí như thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế thu nhập DN 20% và thuế nhà thầu 10% (khi hợp tác với các đối tác ngoài lãnh thổ Việt Nam).

Theo bà Nguyễn Thùy Dung - Giám đốc SohaGame, đa số các DN có mức doanh thu tương đối với lợi nhuận thấp, đặc biệt từ năm 2021 đến nay. Phần lớn các trò chơi trên thị trường Việt Nam đều được các DN trong nước trả chi phí bản quyền và chia sẻ doanh thu cho các nhà phát triển nước ngoài với tổng tỷ lệ từ 25 - 35% doanh thu. 

Qua rà soát sơ bộ từ DN, chưa ghi nhận quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

Ông Đào Quang Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Funtap, dẫn số liệu tại Việt Nam hiện có khoảng 70% nhà phát triển game hướng đến thị trường game di động toàn cầu. Do đó, cần coi ngành game như lĩnh vực sản xuất/xuất khẩu nội dung số bằng công nghệ (tương tự như phim ảnh, hội họa...), thậm chí cần được khuyến khích, ưu đãi phát triển hơn nữa. Để kiểm soát tốt nhất, nên tập trung vào việc khuyến khích các nội dung tốt, đẩy lùi các nội dung gây hại, không phép.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật