Người về đồng cói

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Du nhìn lên, bắt gặp ngay ánh mắt cười trong veo của cô gái nhỏ. Cô gái đi qua bờ ruộng, vừa cất lời xong đã thoăn thắt ôm bó cói tiến về phía chiếc xe dựng trên đường. Cô gái trùm khăn kín mặt, tấm áo hoa nổi bật trên nền đồng cói xanh rì, trải rộng mênh mông. Du lấy làm thú vị, thi thoảng lại ngong ngóng chờ đợi lúc cô ta vác cói đi qua.
Người về đồng cói
Minh họa: Lê Trí Dũng

1. Chú Hoàn từ đồng cói về, ngả chiếc xe đạp cà tàng đánh uỵch vào cái đống rơm cao ngất ngưởng, tay cầm vài cây cói vừa tước ngó vào bếp, bảo thím Nhân:

- Ba hôm nữa là được gặt. Nhà mình chuẩn bị giũa liềm đi nhé!

Bữa ấy trăng sáng vành vạnh. Gió thổi trên đồng cói mát rượi. Gió ngoài đồng thông thốc với không gian khoáng đãng chẳng khác nào trên bãi biển mà Du có dịp du lịch vào mỗi dịp hè. Thế mà ở nhà, lúc tối muốn ngả lưng chợp mắt cứ phải mở quạt bật số to nhất mới xua nổi cái nóng hập hập phả ra từ bốn bức tường. Ba giờ sáng, Du bị chuông đồng hồ báo thức réo vang. Gã bật dậy, cuốn vội cái màn vắt lên rồi vội vã phóng xe chằng theo cái làn thím Nhân đã chuẩn bị đầy đủ, đĩa xôi, nước cam vắt pha đường, vài đẵn mía và túi roi hồng. Chú thím kéo chiếc xe cải tiến mang theo vài cái bao tải để lúc ngồi nghỉ ngơi còn có cái để mà kê lót.

Lúc thấy Du dáng vẻ ngái ngủ, ra sân còn mắt nhắm mắt mở vươn vai làm vài động tác thể dục, thím Nhân xem chừng áy náy, cứ giục Du vào ngủ tiếp, dặn nếu muốn ra đồng thì chừng bảy giờ, ăn sáng xong ra giúp chú thím cũng được. Du cười tỉnh queo. Về quê để thưởng thức hương đồng gió nội mà chỉ ngủ nướng thì còn gì ý nghĩa. Ánh trăng lấp lóa hòa quyện ánh đèn chiếu rọi, những cây cói cao quá đầu người, thân tròn và dài. Cói mọc ken vào nhau, dày đặc, mướt mềm. Du lúng túng cầm chiếc liềm, tay kia túm gọn nắm cói, đưa liềm giật. Mùi hăng nhẹ ngai ngái của cói tươi thoang thoảng. Chân Du ram ráp, đã xuất hiện vài vết xước đỏ dài.

Tiếng gió ràn rạt trên cánh đồng cói. Du nghe có người chuyện trò gần đấy cách xa chừng vài ruộng. Trời hưng hửng sáng dần. Du ngoảnh lại, ruộng đã gặt được chừng chục cái đòn gánh. Cắm cúi liên tục, Du bắt đầu thấy lưng mỏi nhừ, mặt nằng nặng. Chú Hoàn đã bắt đầu lấy rựa để cắt gọn gốc. Thím Nhân vẫn mải mê cắt, bảo Du dừng tay liềm, chuyển sang công việc rũ cỏ rác, chuốt ra những cọng ngắn, ngả vàng. Bó cói mềm, sóng mượt theo nhịp tay gã.

- Bác Hoàn tìm đâu được anh thợ chăm chỉ thế ạ. Bữa nào cho nhà cháu mượn đôi công nhé?

Du nhìn lên, bắt gặp ngay ánh mắt cười trong veo của cô gái nhỏ. Cô gái đi qua bờ ruộng, vừa cất lời xong đã thoăn thắt ôm bó cói tiến về phía chiếc xe dựng trên đường. Cô gái trùm khăn kín mặt, tấm áo hoa nổi bật trên nền đồng cói xanh rì, trải rộng mênh mông. Du lấy làm thú vị, thi thoảng lại ngong ngóng chờ đợi lúc cô ta vác cói đi qua.

- Con bé Xuyên cùng xóm, con nhà bà Đối ấy mà.

Chú Hoàn thấy Du có vẻ để ý đến con bé thì hồ hởi. Hồi con bé Nga nhà chú chưa đi học đại học, có vài bận về quê Du gặp con bé Xuyên sang nhà. Du nhớ ra có lần Xuyên còn rủ con bé Nga đi bắt châu chấu ở đồng cói, được hẳn một giỏ đầy. Bữa ấy gặp mưa, về nhà hai đứa ướt như chuột lột. Rút bỏ phần đầu và ruột, cắt càng và rang với lá chanh, hôm ấy được hẳn một đĩa đầy, thơm phức. Có lẽ nhà Xuyên đi gặt sớm lắm để kịp về chẻ cói, phơi phóng nên lúc ruộng chú Hoàn còn một khoảnh to thì nhà đó đã kéo xe về. Du há miệng ngáp vài cái, mắt lờ đờ. Thiếu ngủ làm cho Du mỏi mệt, bụng bắt đầu cồn cào. Chú thím đưa mắt nhìn nhau, đầy ẩn ý.

- Thôi thằng Du hẵng để đấy, nghỉ tay đã rồi lấy sức mà làm tiếp chứ!

Thím Nhân cầm đĩa xôi nếp đỗ đen chia đều làm 3 phần. Nắm xôi và ngụm nước làm cho Du tỉnh hẳn.

- Đấy, về nhà lao động có mệt tí nhưng rồi sẽ quen. Mấy mà cách ly được với cái của nợ chết tiệt kia.

Du chợt nhớ đến lời gan ruột cùng những giọt nước mắt của bà Phần. Người mẹ nào mà chẳng thương con. Người mẹ nào mà chẳng xót xa khi con mình sa vào tệ nạn. “Mày có thương mẹ thì từ bỏ ngay đi. Cuộc đời còn dài. Nếu không bỏ được thì coi như mày không có người mẹ này. Làm đơn xin nghỉ việc vài tháng với lý do phải đi chữa bệnh, mọi việc đã có bác Quảng lo rồi”.

2. Du là kỹ sư điện ở nhà máy. Cuối tuần, hết giờ làm, thanh niên chưa vợ con nên chẳng chịu về nhà ngay. Chỉ cần cuộc điện thoại, chục phút sau đám bạn đã có mặt đầy đủ, hẹn hò tụ tập đánh bóng chuyền, làm chầu bia, bữa thì lại kéo nhau về nhà để tổ chức nấu nướng, liên hoan. Ăn xong vẫn còn hơi bia lại bật karaoke nghêu ngao làm vài bài cho đỡ buồn. Bữa ấy gần nửa đêm, đã định lục tục ra về, thằng Thuận còn giữ bạn bè lại, lôi ra gói bột trắng, mời dùng thử.

Du biết ngay đó là m‌a tú‌y. Đã định bụng dứt khoát không dây dưa vào món đó, nhưng đứa này mời, đứa kia khích. Du cũng tặc lưỡi, thử một lần xem sao. Hút vào thấy phê, thấy ’’đã’’ thật. Nhưng rồi sau lần ấy cái cảm giác thèm thuốc làm Du ngứa ngáy, cồn cào trong c‌ơ th‌ể đến khó chịu. Một lần, hai lần, rồi lần nữa, lần nữa. Du năn nỉ bạn tìm thuốc cho mình.

Đến công ty, cảm giác lờ đờ mệt mỏi của Du đã khiến đồng nghiệp xì xào. Chuyện đến tai Huyền, mặt khác cũng đã lờ mờ đoán biết được sự việc, cô bật khóc khuyên gã tránh xa thứ cạm bẫy chết người. Du ậm ừ hứa hẹn. Sau lời hứa hẹn bâng quơ ấy, thấy Du hời hợt, ngày một xanh xao gầy rộc đi, chu‌yện tìn‌h cảm dần phai nhạt. Du chẳng còn bận tâm đến chuyện vui buồn của Huyền, những quan tâm, hỏi han, chăm sóc và những cuộc hẹn cũng thưa thớt. Huyền nản thật sự. Lại thêm có bà cô ruột giới thiệu cho anh chàng mới đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc về, nàng chính thức nói lời chia tay.

Du đã quen với việc có bạn gái hỏi han, nhắn tin, rủ rỉ bên tai những lời yêu thương ngọt ngào, bỗng một ngày cảm thấy trống vắng lạ. Vài lần bấm gọi cho Huyền nhưng không liên lạc được (Huyền đã thay số từ bao giờ), Du mới nhận ra mình đã lỡ tuột tay đánh mất người mình yêu, rất hợp với gã. Du chới với và day dứt. Bà Phần nhìn con trai như người vô hồn, đi đi về về vật vờ như một cái bóng thì xót xa. “Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Cũng chẳng trách con bé ấy được. Quan trọng là con biết sai và sửa, biết những người thân phải đau lòng vì mình thì nên quyết tâm làm lại từ đầu”. Bà Phần nghĩ, chỉ có thể về quê Du mới tránh xa được đám bạn nghiện. Nơi miền quê yên tĩnh bà mong gã bình tâm suy nghĩ và có lối sống tích cực hơn.

Bận bịu học hành, dù năm đôi ba lần mới có dịp về quê vào dịp giỗ, Tết, Du cũng cất giữ cho mình nhiều kỷ niệm với cánh đồng quê. Những buổi sáng mờ sương theo ông bà chú thím lang thang trên những chân ruộng vào ngày mùa rộn ràng gặt hái. Những nhát liềm đầu tiên với vết cắt nham nhở, vương vãi cói, sợi ngắn sợi dài, xộc lệch, xô nghiêng. Sau này, được ông bà chỉ dạy, Du đã biết cầm sao cho gọn hơn, nhát cắt dứt khoát và ngọt hơn nhiều.

Màu xanh ngút ngàn của cói như một mảng màu bình yên, vô cùng mát lành và trong trẻo để mỗi khi ngồi giữa quán xá ngắm những xô bồ hối hả của phố, lòng gã thấy lắng lại, dịu êm. Du vẫn nhớ những lần cùng các em đi dọc bờ đê để bắt cáy mang về cho bà làm mắm. Bữa sáng ở quê của Du chỉ cần bát cơm nguội và vài thìa mắm cáy thơm lừng mùi chanh tỏi cũng đủ cho Du lên thành phố tấm tắc khen ngon với đám bạn suốt cả giờ ra chơi.

Nội đã mất vào chính hôm Du đi học tập, trải nghiệm cùng lớp ở khu di tích K9 Ba Vì, nhưng mỗi lần trở về Du vẫn còn nhớ như in cái dáng ngồi cần mẫn bên khung dệt, đôi tay của nội khéo léo chuốt từng sợi, thoăn thoắt chuồi, xếp theo từng màu vào chiếc go và dệt. Bây giờ ở làng có nhà đã mở xưởng, mua sắm được những chiếc máy dệt chiếu năng suất cao thay cho nghề dệt bằng tay theo lối thủ công xưa kia.

Bà Phần thi thoảng gọi điện về. Nói chuyện với Du thì ít mà dặn dò, hỏi han, nhờ cậy chú thím thì nhiều. Bà kể cho con trai chuyện gặp Huyền ở Trung tâm thương mại, giờ đã ôm cái bụng bầu lùm lùm. Giọng bà Phần tiếc nuối. Giá như Du chí thú làm ăn, không sa vào nghiện ngập thì chắc hẳn bà đã sớm có cháu bế cháu bồng. Gã chạnh lòng nhớ lại ngày có giấy báo trúng tuyển của trường đại học. Cả nhà mừng rỡ, bà Phần gặp ai cũng khoe con trai sắp được lên Thủ đô học. Bà còn đưa Du về thắp hương nhà thờ tổ để báo cáo với ông trưởng họ và tổ tiên.

Ngày đầu tiên Du đi làm, bà Phần cũng làm mâm cơm liên hoan, mời đồng nghiệp, bạn bè thân thiết đến chung vui. Ngày ấy như vừa mới hôm qua. Du về xóm này đôi khi có người đến chơi còn nhỏ to hỏi chuyện chú thím. “Thằng cháu nhà chú Hoàn độ này thấy ở quê suốt nhỉ, có chuyện gì trên phố hay là đã chuyển khẩu về quê rồi?”; “Tôi thấy thằng Du gầy thế, trước nó vạm vỡ, trắng trẻo, đẹp trai cơ. Có phải nó về quê cai nghiện hay bị bệnh gì nghiêm trọng hở cô Nhân?”. Du nằm võng trong buồng nghe thấy hết. Gã không muốn thò mặt ra tiếp chuyện, cũng có khi chỉ bước ra chào hỏi xã giao rồi lảng ra gốc cây ổi ngồi bờ ao buông cần đến tối.

Bữa đó, Du đang xới đất vườn tìm giun để câu con cá nấu bát canh chua thì có cô gái đội nón, đeo khẩu trang đi vào. Cô gái cất tiếng làm phá tan sự yên tĩnh vốn có của khu vườn khiến Du giật mình:

- Anh Du vừa câu vừa nghĩ ngợi, ủ mưu tính kế gì thế kia? Dễ chừng cá mà cắn câu cũng chẳng biết đâu mà giật, bắt được nhỉ? Anh được con cá nào chưa, cho em xin vài con về làm đĩa rán giòn nhé?

Khi cô gái cởi chiếc khẩu trang, Du mới nhận ra là Xuyên.

- À, giá kể mà câu được, tôi nhất định sẽ tặng cô vài con. Nhất định thế. Mà cô sang chơi hay có việc gì? Chú thím tôi đi vắng cả rồi.

Tưởng nói vậy Xuyên sẽ ngoan ngoãn ra về, ai dè cô ta sang hỏi mượn chiếc máy chẻ cói, máy nhà bị hỏng. Bê chiếc máy ra, cô ta vẫn nấn ná ngồi xem Du câu cá chứ chưa chịu về ngay. “Nhìn anh câu thế này sốt ruột quá. Anh thử đáp một nắm cám xuống xem có dụ được con nào vào không?” - Xuyên hóm hỉnh. Gã nghĩ cô ta nói cũng có lý nên quay vào bếp vốc một nắm cám cho vào chảo rang. Chỉ một lát sau khi ném mồi xuống, mùi thơm của cám đã dẫn dụ được những chú cá tham ăn vào mé bờ. Xuyên thích thú cười giòn tan khi giật được chú cá rô phi to đùng.

- Mượn máy có mượn cả người chẻ cói thuê không? Tôi đang thất nghiệp rồi đây!

Lúc Xuyên đi ra ngõ, chẳng hiểu sao gã cũng buông được lời tán tỉnh mượt mà đến thế.

3. Du đánh bạo bước qua vài ngõ, tìm đến nhà Xuyên. Từ cổng vào sân, cói trải phơi la liệt. Cô gái đang ngồi chẻ cói với mẹ.

- Để cháu làm cùng em giúp cô ạ!

Bà mẹ Xuyên lưỡng lự không đứng lên ngay. Du không rõ bà ta ngại mình là trai phố không biết làm hay là dè chừng khi con gái tiếp xúc với một gã nghiện. Chỉ thấy bà mẹ rời khỏi chỗ ngồi với ánh mắt miễn cưỡng, có phần hơi khó chịu. Du lúng túng ngồi trước máy tuồn cói vào chẻ, Xuyên ngồi đối diện xếp và bó lọn cói sau khi đã chẻ xong.

- Không chú ý mà để bị lỗi gẫy, bị đứt cói là em bắt đền anh đấy!

Thấy Du đăm chiêu, Xuyên cất lời trêu chọc. Xuyên vừa làm vừa líu lo chuyện trò. Cô gái này có lối nói chuyện lôi cuốn kỳ lạ. Xuyên tràn đầy năng lượng, vui vẻ chuyện suốt, dường như chẳng điều gì làm cho cô có thể mệt mỏi. Người bên cạnh chắc cũng nhờ cô mà quên hết ưu phiền. Bỗng dưng, Du thầm nghĩ. Xuyên chịu thương chịu khó chẳng khác nào như thân cói dày dặn, có sức sống dai bền ở đồng quê gã, không ngại nắng gió vươn lên dưới ánh mặt trời. Dễ trồng, dễ sống. Chỉ trồng một lần mà đến hơn chục năm sau mới phải trồng lại. Sau khi thu hoạch, được bón phân, chăm sóc một chút, cói lại mọc lên tốt tươi lạ thường.

- Nếu một ngày trở về quê mà đồng cói không còn nữa, chắc tôi sẽ buồn lắm.

Du buột miệng thốt ra những điều gã đang nghĩ. Cô gái phì cười, làm sao mà tự biến mất được khi nó rộng mênh mông, là nguồn thu nhập của phần lớn người dân lao động  nơi đây. Nhờ việc phát triển cây cói trên đồng ruộng và gắn kết với cơ sở chế biến, ứng dụng kỹ thuật mới, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, mà sản phẩm thu hút được khá nhiều lao động làm việc trên chính mảnh đất quê mình. Cói làm mũ, cói đan túi, cói dệt chiếu, làn và làm đồ lưu niệm, bền, xinh xắn mà còn làm giảm sự ô nhiễm môi trường.

- Bố cậu làm Trưởng phòng ở Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thiếu gì việc cho cậu làm, chỉ e sướng lại không biết đường mà sướng thôi. Hay là sướng quá lại hóa thành khổ ấy, cậu Du nhỉ?

Du tái mặt vì lời nói kháy của mẹ Xuyên. Gã biết, chuyện gã về quê cai nghiện m‌a tú‌y sớm muộn gì nhiều người cũng biết. Ở cái làng nhỏ này, có chuyện gì mà người ta giấu được. Ngay cả ông Dinh, bác họ, dạo gần đây gặp Du đã có thái độ khác hẳn, lạnh nhạt và xa cách. Mới tuần trước cả xóm rộ lên chuyện bà Thư bị mất xe đạp, bà ta khẳng định dựng cái xe ở trong sân, cổng nhà đã cài, vậy mà đến trưa chiếc xe đạp đã không cánh mà bay. Mấy ông bà trong xóm đôn đáo chạy sang hỏi han, hóng hớt. Lâu nay, trật tự an ninh của xóm vẫn đảm bảo, có mấy khi mất trộm cắp bao giờ.

Chỉ có chuyện năm xưa nhà bà Bình bị trộm mất cái ti vi và cái máy tính của thằng Thái đang học lớp 12. Cái máy tính ấy phải tằn tiện lắm bà Bình mới sắm được cho thằng Thái để học online trong mùa dịch và cũng tiện cho con trai lên đại học còn dùng. Vụ ấy là do thằng Bài bị thua cờ bạc nên làm liều. Sau đó nó còn làm tiếp mấy vụ nữa ở xã khác. Nhưng thằng Bài còn đi tù chưa về. Người nọ người kia đưa mắt nhìn nhau. Mất trộm chỉ là do những thằng cờ bạc nghiện hút gây ra. Thằng cờ bạc đi rồi, xóm đang yên đang lành lại xuất hiện thêm thằng nghiện.

Chú Hoàn nghe phong thanh người ta đổ oan cho cháu mình thì tức tốc chạy sang: “Các ông các bà nói phải có bằng chứng. Thằng Du hôm đó đèo thím sang huyện bên cả ngày để ăn cỗ cưới bên đó. Chả lẽ nó có phép thuật phân thân?”.

Dân trong xóm thấy chú Hoàn phân bua khúc chiết và hợp lẽ nên có phần dịu đi, nhưng người ta không chịu tin, lại nghĩ người nhà nên họ bao che cho nhau. Đến khi ông Toàn, chủ cửa hàng lân đạm ở khu chợ mới nhắn cho bà Thư ra nhận lại chiếc xe thì chuyện mới sáng tỏ. Thì ra bà Thư ban sáng đi chợ có ghé qua cửa hàng Toàn Lan mua đạm về bón rau trong vườn, lúc về chỉ xách mấy cân đạm cùng chiếc làn về, bỏ quên cả chiếc xe đạp ở lại.

Trời bỗng dưng tắt nắng, chẳng mấy chốc có mây đen kéo đến xám xịt. Bà mẹ Xuyên hớt hải vơ vội những bó cói đang được hong phơi, phủ kín sân. Xuyên cũng bật đứng dậy. Gặp mưa thế nào cói cũng sẽ trương lên, thâm xì và mốc. Nếu không thu gom kịp, còn bán cho ai được. Gã nhanh nhẹn cùng Xuyên dồn thành những bó cói to rồi vác ù vào lán. Vừa xong cũng kịp lúc trời đổ mưa. Mưa như trút nước. Mưa dai dẳng chẳng ngơi, Du thấy nấn ná ở lại cũng vô duyên bèn chạy ào ra cổng, đội mưa đi về.

- Kìa, cháu ơi. Quay lại khoác áo mưa đã nào!

4. Sau hôm bị dính mưa, Du sốt liền ba ngày. Gã đắng họng và thấy miệng khô khốc. Người đau mỏi nhừ như vừa làm công việc nặng nhọc xong. Những ý nghĩ cứ miên man, chập chờn ngay cả trong giấc ngủ. Bố gã sau những bất hòa từ khi con trai sa vào con đường hút hít, hôm trước đã cất công về thăm. Ông bàn bạc với chú Hoàn. Nếu như Du quyết tâm ở lại mảnh đất quê để lập nghiệp, tu chí làm ăn, ông sẽ bỏ vốn đầu tư để mở xưởng mua máy móc làm cơ sở sản xuất từ nhiên liệu cói quê hương.

Và tất nhiên, ban đầu phải nhờ chú Hoàn hỗ trợ Du về mặt kỹ thuật và tuyển nhân công vào làm việc. Ông sẽ cho Du vào Thanh Hóa học việc, ở trong đó bạn ông có cơ sở sản xuất chiếu cói bề thế lắm. Du lưỡng lự. Ông Phần không muốn Du trở về thành phố vì sợ làm mất mặt gia đình hay ông thật sự lo lắng việc gã về thành phố sẽ gặp lại bạn bè cũ và lại tái nghiện? Chỉ vì lỡ chơi bời nghiện ngập mà gã thành ra đã đánh mất niềm tin của bao người. Vốn gã có lòng tự trọng cao nên không chịu được sự ghẻ lạnh, coi thường ấy.

Thím Nhân chỉ nhẹ nhàng khuyên Du. Ở lại hay về thành phố là tự gã quyết định. Nhưng dù quyết định như thế nào thì cũng đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nỗ lực ở gã thì mới thành công được. Xuyên mang chiếc máy chẻ cói sang trả. Biết gã bị ốm, cô gái gõ cửa phòng, rụt rè bước vào. Khác với mọi khi, Xuyên lặng lẽ ngồi bổ cam, tay ngượng nghịu đưa đĩa cam cho gã. Chẳng hiểu do cam ngọt hay bởi từ tay người bóc mà vị cam cứ đượm mãi trong lòng. Dịu ngọt. Im lặng khá lâu, bỗng dưng khi gã định cất lời thì Xuyên cũng vừa khoe:

- Em được cử tham gia lớp tập huấn đan cói xuất khẩu để về truyền dạy cho bà con trong xóm. Bên Hội khuyến nông muốn phát triển nghề sản xuất các sản phẩm đan cói thủ công mỹ nghệ, anh à.

Gã thấy chút gì ấm áp, vui vui. Sao cô ta lại khoe với gã điều này. Gã quan trọng với cô ta vậy ư? Có vẻ như vừa khoe cô còn chăm chú quan sát vẻ mặt của gã xem có gì biến chuyển. Như thể cô hỏi ý kiến người yêu trước khi làm điều gì hệ trọng. Gã cất giọng khàn khàn của người còn đang ốm nhưng mạch lạc, dứt khoát:

- Anh cũng quyết định rồi. Anh sẽ ở lại quê cùng với chú Hoàn khởi nghiệp từ cây cói quê ta. Dẫu rằng cũng cần phải học hỏi thêm nhiều thứ nữa…

Xuyên mỉm cười, nhìn gã đầy tin tưởng: “Tất cả đều từ sự bắt đầu mà anh”. Câu nói đơn giản của cô gái nhưng lại đánh thức trong gã nhiều tia hy vọng. Gã hy vọng không chỉ công việc có thể tốt đẹp từ sự khởi đầu này mà chu‌yện tìn‌h cảm của gã cũng sẽ bắt đầu nhen lên từ đây.

Gã chợt mơ màng hình dung, chẳng bao lâu nữa sản phẩm chiếu hoa có chữ song hỷ, bốn góc chiếu có in những hoa văn tinh tế, đẹp đẽ, hài hòa sẽ mang tên cơ sở sản xuất chiếu cói Du Xuyên. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật