NSƯT Thu Huyền: Nghệ thuật Chèo vẫn như một dòng chảy “lặng lẽ” và không bao giờ mất đi

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thu Huyền không còn xa lạ với những ai yêu môn nghệ thuật sân khấu Chèo. Đặc biệt, NSƯT Thu Huyền được công chúng mến mộ qua vai diễn Thị Mầu trong trích đoạn Chèo ’Thị Mầu lên chùa’, vai Thị Mầu cũng làm nên tên tuổi của Thu Huyền.
NSƯT Thu Huyền: Nghệ thuật Chèo vẫn như một dòng chảy “lặng lẽ” và không bao giờ mất đi
NSƯT Thu Huyền

NSƯT Thu Huyền sinh năm 1975 tại Hà Nội, là một nghệ sĩ chèo nổi tiếng. Khi nhắc đến NSƯT Thu Huyền, người yêu mến chèo liên tưởng ngay đến vai Thị Mầu, đến ánh mắt sắc như dao cau trên sân khấu. NSƯT Thu Huyền đi lên bằng chính khả năng và niềm đam mê môn nghệ thuật này. Hiện nay, NSƯT Thu Huyền đang giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội. Khi trò chuyện với NSƯT Thu Huyền, mới hiểu, với những người coi chèo là lẽ sống của cuộc đời, họ luôn tràn đầy niềm tin và hy vọng về sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống.

+ Theo chị, vẻ đẹp cốt lõi trong nghệ thuật Chèo là gì? So với Chèo truyền thống, ngày nay, nghệ thuật Chèo đã phát triển như thế nào?

- Nghệ thuật Chèo đã có từ rất lâu rồi, trải hàng nghìn năm nay và đã đúc kết qua rất nhiều đời, rất nhiều lớp nghệ sĩ đã lao tâm khổ tứ để truyền dạy cho các thế hệ đời sau. Đến tận bây giờ nghệ thuật Chèo vẫn được lưu giữ và phát triển. Đây là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp. Để làm được diễn viên Chèo phải hội tụ rất nhiều yếu tố, phải hát được, phải có kĩ thuật biểu diễn hóa thân vào nhân vật rồi phải biết về vũ đạo, phải học múa và nếu phải đóng vai chính thì phải có sắc phù hợp để lột tả được những nhân vật. Chính điều đó mới tạo được cái đẹp, cái độc đáo hấp dẫn của nghệ thuật Chèo.

Nghệ thuật Chèo ngày xưa với bây giờ khác nhau nhiều. Ngày xưa các cụ không có điều kiện chỉ là một gánh hát chèo có vài nghệ sĩ thôi, khi diễn trải một manh chiếu ra ở sân đình, ánh sáng chỉ có những bóng điện, thậm chí là bằng đèn dầu và khán giả ngồi dưới tương tác với nghệ sĩ. Một nghệ sĩ đóng rất nhiều vai trong một tích và ngày xưa chưa có hẳn một vở diễn, nó chỉ là những vở diễn ngắn và nghệ sĩ tự biên tự diễn luôn tại sân khấu. Tuy nhiên, chính những điều đó đã đúc kết được những làn điệu và nét đặc trưng, nét đẹp của Chèo.

NSƯT Thu Huyền trong vai Thị Mầu trong trích đoạn Chèo "Thị Mầu lên chùa"

Bây giờ Chèo được đưa vào sân khấu hộp được đầu tư rất nhiều về âm thanh, ánh sáng trang thiết bị… Diễn viên Chèo bây giờ tham gia tại các nhà hát, một vở diễn Chèo có thể dàn dựng hoành tráng như các loại hình nghệ thuật khác. Các vở diễn được đầu tư công phu hơn. Nhưng tôi nghĩ điều đó phù hợp với đời sống hiện tại, nếu Chèo vẫn cứ như ngày xưa thì khó thu hút được khán giả. Bây giờ khán giả có cơ hội thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật khác, sân khấu hoành tráng mà Chèo vẫn "tù mù" thì rất khó để có người xem. Vậy nên Chèo bắt buộc phải thay đổi đầu tư.

+ Gắn bó với nghệ thuật Chèo gần 30 năm, chị đã trải qua những thăng trầm như thế nào? Và những nghệ sĩ đi trước nào có ảnh hưởng tới chị?

- Trước đây, khi chưa "mở cửa" thì khán giả xem sân khấu truyền thống chỉ có chèo, tuồng, cải lương. Ở Hà Nội có vở diễn "Nàng Sita" khán giả còn xếp sổ hộ khẩu để mua vé xem. Sau năm 1992, tôi ra trường cũng vất vả khó khăn bởi vì thị trường du nhập nhiều loại hình nghệ thuật khác. Khi đó Nhà hát Chèo Hà Nội cũng rất nỗ lực. Lúc đó bác Nguyễn Văn Tiến làm Trưởng đoàn cùng với NSND Trần Quốc Chiêm làm Phó đoàn, các nghệ sĩ tên tuổi thời bây giờ như NSND Thúy Mùi, Xuân Hinh, Lan Anh, Vân Bằng… rất năng động tìm khán giả đến với sân khấu bằng các chương trình kịch mục nhỏ. Và chính bản thân tôi cũng phải nỗ lực để tìm khán giả cho mình.

Tôi không bao giờ quên công ơn của các thầy cô đã dạy mình vì người ta có câu "không thầy đố mày làm nên", đặc biệt trong sân khấu nghệ thuật truyền thống thì những người thầy rất quan trọng. Với nghệ thuật Chèo không phải dạy theo giáo án mà là sự truyền nghề. Học hát thì thầy hát trước trò hát sau, múa diễn xuất thì cũng vậy. Sau khi làm được đúng theo thầy cô lúc đấy mới tự mỗi người làm được ra những nét riêng trong vai diễn của mình. Chính vì vậy mà tôi luôn luôn biết ơn những người đã dìu dắt mình, không chỉ là những người thầy đã dạy mình trong trường mà khi tham gia ở nhà hát cũng có những anh chị, cô chú, bạn diễn đã là "những người thầy" bảo ban giúp tôi phát triển được như bây giờ.

NSƯT Thu Huyền cống hiến hết mình cho nghệ thuật Chèo

+ Vai diễn Thị Mầu được coi là vai diễn để đời của chị. Chị có lo lắng khi đó là cái bóng quá lớn khiến khán giả không nhớ đến những vai diễn khác của mình hay không?

- Thật ra có lẽ người ta yêu mến cô Thị Mầu quá, bởi vì không phải mình tôi diễn cô Thị Mầu mà có rất nhiều người diễn vai diễn này rồi và người ta cũng hay nhắc đến. Trong diễn xuất của tôi có nhiều vai diễn đã làm và khán giả yêu mến như vai nàng Sita trong vở diễn cùng tên, vai Thuyến trong vở diễn "Điều còn lại".... Mỗi một vai diễn đều có những cái hay riêng, bởi vì người nghệ sĩ đều mong muốn hóa thân vào nhiều vai, nhân vật khác nhau, đa dạng đa chiều. Như thế mới có cơ hội khám phá bản thân, có cái mới. Tôi cũng vậy!

Tôi mong muốn được diễn nhiều vai nhưng vai diễn có dấu ấn hay không là do nhân vật đó có được khán giả yêu thích hay không. Vậy nên chắc người ta yêu cô Thị Mầu quá, cô Mầu trong văn hóa dân gian chứ không phải tôi vào vai cô Mầu thì mới yêu!

+ Chị có thể lý giải vì sao hiện nay, giới trẻ không còn dành nhiều tình yêu cho nghệ thuật Chèo?

- Theo tôi, không phải tất cả các bạn trẻ không yêu Chèo mà có những bạn rất yêu Chèo. Vì thế khi chúng tôi mang Chèo đến với các trường học, có những bạn chưa xem Chèo bao giờ nhưng sau khi xem xong bảo tôi "ôi Chèo hay thế cô nhỉ". Điều đó có nghĩa là các bạn chưa bao giờ được xem, chưa tiếp xúc với Chèo nên không thấy cái hay cái đẹp.

Trong thời điểm hiện tại cũng có những ý kiến cho rằng là nghệ thuật Chèo không còn phù hợp với giới trẻ, với đời sống hiện đại bây giờ nữa. Vì thị trường có những loại hình giải trí khác nhau, đặc biệt khi Việt Nam mở cửa thì du nhập rất nhiều loại hình nghệ thuật mới vào Việt Nam. Các bạn trẻ bao giờ cũng muốn những điều mới mẻ như: rap, rock, hiphop… Những cái mới mẻ đó sẽ không làm cho nghệ thuật Chèo mất đi. Nghệ thuật Chèo vẫn như một dòng chảy "lặng lẽ" và không bao giờ mất đi.

NSƯT Thu Huyền biểu diễn tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022

Minh chứng là Nhà hát Chèo Hà Nội trong thời gian gần đây, ngoài trừ những năm dịch bệnh thì vẫn tổ chức những buổi biểu diễn rất hay đến với khán giả của các địa phương trên cả nước. Hiện Nhà hát có 3 đoàn diễn đã kín lịch biểu diễn vào tháng 1, 2, 3 ở các vùng ngoại thành Hà Nội và các địa phương lân cận. Điều này cho thấy rằng nghệ thuật Chèo vẫn mãi trường tồn.

Có thể các nghệ sĩ Chèo không thể có thu nhập cao như những loại hình nghệ thuật đang "hot", nhưng người nghệ sĩ Chèo, với trách nhiệm phải đưa nghệ thuật Chèo, nghệ thuật truyền thống đến với khán giả vẫn luôn sáng tạo, lao động hết mình. Bởi vì khán giả của Chèo là những khán giả ở những làng quê. Họ không có nhiều tiền để mua vé mấy triệu hay mấy chục triệu. Người nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống phải đến với họ và khi khán giả còn đến với Chèo là minh chứng rằng vẫn còn rất nhiều khán giả yêu mến nghệ thuật Chèo.

+ Xin cảm ơn NSƯT Thu Huyền!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật