Học cách chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực đến từ nhiều chuyện không may, chúng ta cần học cách suy nghĩ tích cực, để tìm lại sự bình an trong tâm trí.
Học cách chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống
Con người cần phải luyện tập để luôn giữ được trạng thái cân bằng trong tâm trí. Ảnh: Shan Health.

Đối với phần lớn chúng ta, thực tại cuộc sống thường không như ý muốn. Những mục tiêu và mơ ước thuở bé vẫn chưa thành hiện thực và dường như cuộc sống quá khác biệt so với những gì chúng ta tưởng tượng. Vì thế, chúng ta mất rất nhiều thời gian để phàn nàn, nuối tiếc về những lựa chọn của mình, và lặp đi lặp lại mãi điệp khúc “giá mình có cái này hoặc cái nọ...”

Các bậc trưởng lão Hawaii dạy rằng nếu không phản kháng lại và biết chấp nhận thực tại “như nó đang diễn ra”, chúng ta sẽ có được tự do và những hồi đáp chính xác. Ý họ không phải là cam chịu, mà là có một cái nhìn sáng suốt và trung thực về thực tại. Bằng cách thực hành luật chấp nhận, chúng ta có thể sống hòa hợp với thế giới và dòng chảy liên tục của thời gian. Và sự hòa hợp ấy sẽ đem lại an lạc cho chúng ta.

Cơn bất ổn trầm kha nhất của xã hội hiện đại chính là cuộc vật lộn thường trực của chúng ta nhằm chống lại thực tại. Lối tư duy phủ định đã chiếm trọn tâm trí. Thái độ từ chối đối mặt với thực tại đã ăn sâu bám rễ vào phương thức vận hành của chúng ta. Hầu như lúc nào chúng ta cũng từ chối chấp nhận sự thật; thay vào đó, chúng ta tiến nhập vào lãnh địa đầy thù nghịch của những lời phàn nàn rồi yên vị ở trong đó.

Phủ nhận thực tại tức là từ chối nhìn thấy cái “đang diễn ra” và điều này tạo nên những xung đột nội tâm đầy nhức nhối. Hậu quả là trong ta xuất hiện những cảm xúc khó kiểm soát. Chúng gây ra những xáo trộn nội tâm, từ đó dẫn đến cảm giác lo âu mãnh liệt.

Chúng ta thường tưởng rằng lẩn trốn thực tại sẽ giúp chúng ta tự bảo vệ mình và nhờ đó tránh được đau đớn. Nhưng trên thực tế lại đang diễn ra điều ngược lại. Khi từ chối nhìn nhận mọi sự đúng như bản chất của chúng, ta đang tạo ra một lực kháng cự khiến ta còn đau khổ hơn.

Ở đây có một điều vừa khủng khiếp vừa không thể thay đổi: đó là dù có quyết định loại bỏ một tình huống ra khỏi cuộc sống của mình bằng cách nào chăng nữa, chúng ta cũng không thể thoát khỏi nó bởi nó đã xảy ra rồi. Lựa chọn duy nhất mà chúng ta có lúc này là quyết định xem mình sẽ phản ứng như thế nào với nó. Trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống, chúng ta đều đưa ra những lựa chọn về cách thức đương đầu với các trải nghiệm của bản thân. Và chính những lựa chọn này sẽ quyết định thực tại cũng như cách nhìn của chúng ta về thế giới.

Mối quan hệ ấy giữa chúng ta với thế giới sẽ quyết định trạng thái tồn tại của chúng ta, dù là mối quan hệ với những điều nhỏ nhặt (như khi ai đó xô đẩy ta trên phố hoặc chiếm mất vị trí đỗ xe mà ta đã nhắm tới) hay với những điều lớn lao hệ trọng (như sự chia ly, trọng bệnh, cái chết của một người thân hoặc nỗi lo về tuổi già).

Không phải lúc nào chúng ta cũng lựa chọn những điều sẽ xảy đến với mình (ít nhất là không làm điều đó một cách có ý thức); nhưng mặt khác, chúng ta luôn có cơ hội lựa chọn cách mà mình sẽ phản ứng với các tình huống (ngay cả khi những lựa chọn ấy hầu như đều là vô thức và các phản ứng của ta là tự động).

Đã đến lúc chúng ta tự hỏi mình những câu hỏi sau: Tôi sẽ làm gì với tình huống mà tôi đang trải qua này? Tôi sẽ xem nó là cơ hội để phát triển và hiểu hơn về bản thân? Hay sẽ suy sụp và đánh mất sự hài hòa bên trong mình bởi mọi chuyện quá đỗi khó khăn? Sự lựa chọn hoàn toàn thuộc về chúng ta! Và đây chính là lúc ý chí tự do bắt đầu phát huy vai trò. Chúng ta có quyền lựa chọn cách phản ứng phù hợp nhất đối với một tình huống.

Câu châm ngôn cổ: “Hãy chấp nhận mọi sự đúng như bản chất của chúng” thường bị diễn giải thành thái độ “nhẫn nhục cam chịu”. Nhưng đó không phải là bài học mà các bậc trưởng lão người Hawaii truyền dạy. Bằng cách tham gia trọn vẹn vào “cái đang diễn ra”, chúng ta trở thành một bộ phận trong dòng chảy tự nhiên của cuộc sống và tiếp tục hòa nhập với nó thành một thể thống nhất.

Sẽ không có “tôi” và “thế giới”, hoặc “tôi” và “những gì tôi nhìn thấy”, mà thay vào đó là “một tôi ở bên trong thế giới”, người quan sát mọi sự đang diễn ra mà không hề phán xét. Từ quan điểm năng lượng, “cái đang diễn ra” là hoàn toàn trung tính. Những gì đang diễn ra chỉ đơn thuần là đang diễn ra mà thôi. Chính bộ óc nhỏ bé của con người là thứ liên tục tìm cách diễn giải, phán xét và phân loại mọi sự.

Hành trình để có được một cái nhìn thông suốt có thể sẽ đau đớn. Thường thì chúng ta không muốn nhìn nhận sự việc đúng như bản chất của chúng và tìm ra trăm phương nghìn cách để chỉnh lí thực tại sao cho phù hợp với bản thân, nhờ đó mà tránh được cảm giác tồi tệ, xấu hổ hoặc tổn thương.

Đối mặt với thực tại đúng theo bản chất của nó là một việc đòi hỏi lòng dũng cảm, bởi chúng ta sẽ phải chấp nhận những điều trái với ý thích của mình và nhìn nhận chúng đúng theo bản chất mà không cho phép bất kỳ ảo tưởng hoặc lời biện hộ nào của tâm trí xen vào.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật